Trường THCS Nguyễn Viết XuânPhòng giáo dục và đào tạo Thủ Dầu Một
GIỚI THIỆU SÁCH: NHỮNG NGƯỜI THẦY TRONG SỬ VIỆT
Thứ tư - 23/11/2022 13:00
Tập sách các bạn đang có trên tay kể về những người thầy đã lưu danh trong lịch sử Việt Nam. Đó là Chu Văn An, người thầy mà cả nước đều biết tiếng và được nhân dân tôn là “vạn thế sư biểu” (người thầy chuẩn mực của muôn đời). Đó là Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ và nhà văn hóa lớn đất Nam Kì, người được nhân dân trìu mến gọi là Đồ Chiểu – cái tên gắn liền với nghề dạy học của ông… Thông qua những người thầy đặc biệt như thế, cuốn sách còn mong muốn kể với các bạn những câu chuyện thú vị và cũng đầy ý nghĩa trong lịch sử giáo dục Việt Nam.
Tự ngàn xưa, giáo dục cũng như lịch sử, giữ một vai trò quan trọng và không thể thiếu trong quá trình phát triển của một quốc gia, một dân tộc. Ở bất kỳ triều đại nào, dân tộc nào, vị trí của người thầy cũng đặc biệt được coi trọng. Trong xã hội Việt Nam ta, vị trí ấy được khẳng định qua những câu ca dao, tục ngữ như: Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy; Không thầy đố mày làm nên; Muốn sang thì bắc cầu kiều, Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy. Theo quan niệm của Nho giáo, vị trí người thầy được đề cao chỉ sau vua và trên cả cha mẹ. Ngày nay truyền thống tôn sư trọng đạo vẫn được nhân dân ta gìn giữ và phát huy như một đạo lý tốt đẹp của dân tộc tuy hình thức đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên trên mảnh đất nghìn năm văn hiến, không dễ để một truyền thống tốt đẹp có thể mai một. Để hiểu thêm về điều này cũng như những người thầy nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam chúng ta hãy cùng nhau khám phá và hiểu thêm về lịch sử giáo dục nước nhà qua cuốn sách “Những người thầy trong sử Việt – Tập 1”. Cuốn sách “Những người thầy trong sử Việt – Tập 1” được nhà xuất bản Kim Đồng in ấn và phát hành năm 2018 trên khổ sách 21cm, dày 312 trang, của các tác giả Nguyễn Quốc Tín, Nguyễn Như Mai, Nguyễn Huy Thắng. Cuốn sách tinh chọn 20 nhà sư phạm xuất sắc nhất trong lịch sử từ xưa đến nay. Những gương mặt các bậc tôn sư ưu tú, đại diện cho tài năng và đạo đức của dân tộc ta, những tấm gương về sự uyên bác, đức độ của người thầy giáo – những nhân cách lớn trong lịch sử, xuất thân trong những gia đình có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo; có cống hiến quan trọng sự phát triển nền giáo dục Việt Nam, đào tạo được nhiều học trò là những danh sĩ, danh thần nổi tiếng, có đóng góp xuất sắc cho đất nước. Mở đầu cuốn sách các em được gặp người thầy – người đặt nền móng cho việc xây dựng trường Đại học đầu tiên. Đó là thầy giáo Lê Văn Thịnh – người thầy dạy của thái tử Càn Đức, về sau lên ngôi là vua Lí Nhân Tông. Do lễ vua tôi ông chỉ được phong chức “thị độc” (hầu học cho vua), nhưng trong thực tế ông đã dạy cho vị vua tương lai tất cả những kiến thức cần thiết cho việc trị nước an dân, từ việc tổ chức triều đình cho đến việc làm ruộng, đắp đê, giao thương buôn bán. Không chỉ là một người thầy giỏi ông còn là một vị tướng tài năng, mưu trí giúp vua tôi nhà Lí đánh tan giặc Tống. Các em đón đọc từ trang 7 đến trang 24 của cuốn sách. Kể đến những người thầy trong lịch sử Việt Nam, phải kể đến thầy giáo Chu Văn An – một người thầy mà “Đạo cao long hổ phục, đức trọng quỷ thần kinh”. Thầy giáo Chu Văn An (1292 - 1370) không theo con đường khoa cử đỗ đạt làm quan, mà ở nhà mở trường dạy học. Ông nổi tiếng khắp nước về đức độ và kiến thức uyên bác. Một số học trò của Chu Văn An đã đỗ đạt cao, làm quan đầu triều như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát… nhưng vẫn một lòng kính phục thầy; mỗi lần tới thăm đều cung kính chắp tay lạy tạ thầy. Năm 1325, thầy Chu Văn An được triệu vào cung dạy dỗ các hoàng tử, sau đó nhận chức Tế tửu nhà Thái học, tức Hiệu trưởng Trường Quốc Tử Giám. Sau khi ông mất, để tỏ lòng kính trọng và biết ơn, vua Trần Nghệ Tông đã tôn vinh Chu Văn An là Quốc sư, ban cho ông tên hiệu là Văn Trinh và thờ ở Văn Miếu. Ông được nhân dân ta tôn làm “Vạn thế sư biểu” nghĩa là “Người thầy chuẩn mực của Việt Nam muôn đời”. Trần Nguyên Đán đã đánh giá về những đóng góp của ông: “nhờ có ông mà bể học xoay làn sóng, phong tục trở lại thuần hậu”. Từ trang 39 đến trang 52 của cuốn sách các em sẽ thấu hiểu được điều đó. Ở cuốn sách này chúng ta không chỉ bắt gặp những thầy giáo lỗi lạc của Việt Nam mà còn có cả những người thầy ở các nước khác, người đã đặt nền móng cho các thành tựu khoa học của nước nhà. Đó là họa sĩ Victor Tardieu, một người con của nước Pháp xa xôi mang trong mình tư tưởng tân tiến không có đầu óc thực dân, đã dành cả nửa cuộc đời mình để xây dựng trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ngôi trường đã đào tạo nên những thế hệ họa sĩ tài năng đầu tiên của nước ta như Nguyễn Văn Thọ, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Phan Chánh...Các em đón đọc từ trang 171 đến trang 183. Cuốn sách còn mang đến cho bạn đọc những câu chuyện thú vị và đầy ý nghĩa trong lịch sử giáo dục Việt Nam. Đó là nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu – nhà văn hóa lớn của đất Nam Kì, người được nhân dân trìu mến gọi là Đồ Chiểu – cái tên gắn liền với nghề dạy học của ông. Đó là Hoàng giáp Phạm Văn Định nghe tin quân Pháp đánh chiếm Sơn Trà, không quản tuổi cao bệnh nặng đã đứng lên chiêu mộ nghĩa binh xin triều đình đánh giặc. Ở đó còn là nhà sử học Lê Văn Hưu, tác giả bộ Đại Việt Sử ký toàn thư – bộ chính sử đầu tiên của nước ta... Những ví dụ đó có thể coi là tiêu biểu cho sự nghiệp giáo dục của nước ta, được những người thầy tiếp nối từ thế hệ này cho đến thế hệ khác. Họ đã tạo nên những hiền tài cho đất nước và cũng chính họ là những người đã thắp sáng truyền thống văn minh Việt.
Truyền thống hiếu học, truyền thống tôn sư trọng đạo là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta; truyền thống đó cần được giữ gìn, tiếp thu có sáng tạo và phát huy hơn nữa trong giai đoạn hội nhập với thế giới. Trên con đường học vấn đầy gian nan, thử thách, thầy cô giáo vừa là người dẫn đường chỉ lối, vừa là người bạn đồng hành thân thiết của mỗi chúng ta. Qua cuốn sách giúp chúng ta hiểu thêm về lịch sử ngành giáo dục của Việt Nam cũng như tôn vinh những người Thầy đã âm thầm góp sức xây dựng quê hương đất nước.
Chúng tôi trên mạng xã hội